Thị trường điện thoại đang tồn tại song song 2 dạng sản phẩm chính là hàng xách tay và hàng công ty. Trong đó, điện thoại xách tay với các loại hàng phổ biến như Brandnew, likenew, hàng dựng, fake…đang chiếm một thị phần không hề nhỏ. Vậy trong số các bạn đã có ai nắm rõ được khái niệm của những thuật ngữ trên?
Căn cứ vào đặc điểm hình thức và chất lượng sản phẩm, Techworld xin đưa ra một số phân tích dưới đây để người dùng hiểu rõ hơn về các dòng sản phẩm này để đưa ra quyết định lựa chọn thích hợp nhất.
Thuật ngữ hàng Brandnew
Đây là thuật ngữ được các chuyên gia dùng để chỉ các sản phẩm điện thoại chính hãng, vừa mới “ra lò” và bán ra thị trường. Đặc điểm là máy mới 100%, sản phẩm còn “zin”, nguyên tem và seal máy, seal nilon ngoài hộp. Tất cả các chỉ số sử dụng ban đầu đều bằng 0. Máy vừa được sản xuất, chính hãng và đầy đủ bảo hành của nhà sản xuất nhưng chi phí bán ra khá cao.
Thuật ngữ hàng trả bảo hành
Với những trường hợp mua sản phẩm điện thoại bị lỗi nhưng còn hạn bảo hành thì người dùng được đổi trả bình thường. Hàng trả bảo hành được hai hãng điện thoại lớn là Apple và LG đang áp dụng.
Nhà Táo (Apple) gọi hàng trả bảo hành gọi là CPO (Certified Pre-Owned). Thực ra đây là những chiếc iPhone nguyên zin, mới 100%, được kiểm duyệt nghiêm ngặt giống như các sản phẩm bày bán ở các đại lý của Apple. Điều khác biệt là chi phí rẻ hơn hàng Brandnew.
Thuật ngữ hàng Used – Likenew
Likenew hay theo tiếng Việt là “như mới” để chỉ các sản phẩm đã qua sử dụng với “độ mới” từ 95 – 99%. Hàng likenew có thể xảy ra một số trầy xước nhỏ, chế độ bảo hành có thể còn hoặc không, chi phí bán ra rẻ hơn so với hàng brandnew từ 2 -5 triệu (tùy thuộc vào từng thế hệ, phiên bản khác nhau).
Thuật ngữ hàng dựng
Hàng dựng là thuật ngữ để chỉ những chiếc điện thoại được lắp ghép các bộ phận lại với nhau từ các chi tiết, phụ kiện của nhiều sản phẩm lỗi, hỏng hoặc cũng có thể là phụ kiện mới.
Hàng dựng “ra đời” không phải là sản phẩm của nhà sản xuất mà là do các cửa hàng, cá nhân tự lắp ghép hoàn chỉnh, in lại số IMEI lên vỏ hộp cho khớp với sản phẩm nên rất khó để phân biệt đối với những người bình thường.
Thuật ngữ hàng Fake
Là thuật ngữ để chỉ các sản phẩm nhái sản phẩm của các hãng nổi tiếng. Hàng Fake có chất lượng tồi tệ nhất so với các hàng kể trên và chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Các sản phẩm điện thoại thuộc hàng Fake được bán với chi phí rẻ bèo, chất lượng trôi nổi và thường không “thọ” được lâu. Người dùng cần thận trọng khi mua điện thoại để tránh mua phải hàng Fake gắn mác hàng chính hãng.
Trên đây là một số khái niệm, thuật ngữ cơ bản mà người dùng cần nắm rõ về các mặt hàng điện thoại xách tay. Hãy là người dùng thông thái, tìm hiểu đầy đủ các thông tin cần thiết trước khi mua điện thoại xách tay để tránh rơi vào tình trạng mua phải hàng giả, không đảm bảo chất lượng.